Không giống như Chado (Trà Đạo) của Nhật Bản hay Kungfu Cha của Trung Quốc, càng khác biệt so với lễ nghi thưởng thức trà của Hàn Quốc, phong cách thưởng trà của Việt Nam mang một nét độc đáo riêng, ghi đậm bản sắc dân tộc.
Để pha được một ấm trà ngon đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, từ việc làm sao để chọn được những búp trà tươi ngon nhất đến cách pha trà làm sao để có được những tách trà đượm vị mà không quá chát nồng.
Người Việt có cách ẩm trà rất riêng, rất độc đáo; các bậc tiền nhân xưa cho rằng uống trà là một nghệ thuật, mà nghệ thuật thì phi công thức. Vì lẽ ấy từ xa xưa, các bậc tiền nhân khi uống trà thường đưa tách trà qua mũi để tận hưởng hương vị trà, sau mới hạ dần xuống miệng, môi nhấp ngụm nhỏ thấy chát đắng, chân răng cảm nhận như chặt lại, miệng chép liền mấy cái để thấy vị ngọt dịu nơi đầu lưỡi.
Một ly trà ngon thể hiện cái tâm, cái tình của người pha trà. Để có được một chén trà ngon, đậm vị người pha trà phải tận tâm, đặt hết tình cảm, tâm tư của mình vào việc pha trà và coi đó như một thú vui tao nhã. Không ai có thể pha một tấm trà ngon khi giận giữ, chỉ sau khi nguôi ngoai người ta mới có thể ngồi uống trà như một cách thiền “chánh niệm” vậy.
Người Việt dùng trà nguyên thủy (hay còn gọi là trà mộc) ướp với nhiều hương liệu khác nhau thành trà sen, trà sói, trà bạch ngọc (ướp hương từ năm loại hoa màu trắng: nhài, cúc trắng, bông bạch, mộc và ngọc lan),… Mỗi loại trà làm nên hương vị đặc trưng khác nhau, trong đó trà sen - loại trà mà ngày xưa chỉ có bậc vua chúa mới được thưởng thức là thứ quý nhất bởi hương vị ngọt thanh và hương thơm độc đáo từ những búp sen tươi. Ngày nay, trà sen được coi là một loại trà đại diện của văn hóa trà Việt Nam, đóng góp vào nền văn hóa trà thế giới; trở thành một tinh thần đặc trưng của văn hóa trà Việt Nam, mang trong đó nhiều triết lý, lịch sử và lòng kính trọng.
Trong nghệ thuật uống trà của người Việt có 3 cách thưởng trà: độc ẩm (một mình), đối ẩm (hai người), và quần ẩm (nhiều người) vừa thể hiện văn hóa thuần chất của mình đồng thời vừa có những tiêu chuẩn về chất lượng cũng như vị thế của việc thưởng trà. Độc ẩm được sử dụng khi người thưởng trà đang nhâm nhi lẩm nhẩm những câu thơ ôn luyện, đối ẩm là khi đôi bạn tâm giao cùng cởi mở văn bài tiêu dao, thậm chí hưng phấn cùng cầm kỳ thi họa và cùng nhau thưởng thức tiếng chim kêu nỉ non ngoài vườn. Quần ẩm thể hiện tính cộng đồng làng xã của Việt Nam, uống trà không phân biệt chức tước, địa vị, tất cả đều có thể quây quần bên nhau thưởng trà. Trà cũng như người bạn tâm giao của con người khi có tâm sự, giúp cho người ta nhớ đến tri ân, tri kỷ hoặc suy ngẫm về người, về mình, về nhân tình thế thái.
Nghệ thuật pha trà của người Việt có 5 tiêu chí cần chú trọng để buổi thưởng trà được trọn vẹn, đó là “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”. Nước dùng pha trà thường phải là thứ nước mưa được hứng giữ trời, hay từ các suối nguồn tự nhiên, cầu kì hơn nữa là thứ sương đọng trên lá sen vào buổi sớm mai khi ánh mặt trời còn chưa xuất hiện. Cách đun nước cũng phải đảm bảo giữ được độ thanh tịnh và không làm ảnh hưởng đến hương vị của trà. Thời xưa, trong Hoàng cung, khi pha trà cho vua chúa và Hoàng hậu rất cầu kì và công phu, nước phải hứng từ các giọt sương trên búp sen lúc sáng sớm. Đối với những người có đam mê uống trà, một loại trà ngon phải đáp ứng được 5 chuẩn mực: sắc, thanh, khi, vị, thần, tuy nhiên, với những người sành trà thì trà mộc móc câu là loại quý nhất. Bộ đồ pha trà chính là yếu tố tiên quyết để giữ nhiệt độ chuẩn giúp cho các cánh trà được thấm đều và đạt hương vị tinh tế.
Tùy theo lối uống “độc ẩm, đối ẩm hay quần ẩm” để chọn loại bình tương ứng. Kỹ năng pha trà tùy theo kinh nghiệm bí quyết của mỗi người, tùy vào chất lượng và hương vị của mỗi loại trà mà chọn loại ấm cho phù hợp. Trước khi pha trà, ấm trà phải được tráng bằng bằng nước sôi cho nóng trước rồi cho trà vào, khi pha xong đậy nắp kín, tiếp tục rót nước sôi từ trên nắp xuống như tắm ấm để giữ nhiệt độ nóng trong ấm.
Với người thưởng trà, “ngũ quần anh”, tức tìm bạn trà, đôi khi khó hơn tìm bạn rượu. Vì bạn trà là người bạn tri âm, cùng nhau thưởng trà, ngâm thơ, bộc bạch nỗi niềm hay bàn chuyện gia đình, xã hội, chuyện Đông, chuyện Tây để cảm nhận trong trà có cả trời, cả đất.
Người thưởng trà sành điệu là người chọn thời điểm uống trà vào lúc mờ sáng khi thời khắc âm dương giao hòa, đêm qua – ngày tới, uống trà thời khắc giao hòa này sẽ có lợi cho sức khỏe và tâm hồn, hướng người thưởng trà tới những điều tốt đẹp.
Về không gian thưởng trà của người Việt cũng đòi hỏi có một không gian rộng để tận hưởng được hết dự tinh túy của trà. Tại
Trà House, thế giới của Trà được mở ra với không gian tịch yên vừa hiện đại nhưng mang đậm nét cổ truyển Việt Nam với chất liệu tre trúc cùng những đồ sơn mài tinh tế, đẳng cấp để từ đó người thưởng trà nhận ra một phần an tịch của cuộc đời thật ra đơn giản như “uống-Trà”.
Có thể thấy, phong cách uống trà của người Việt Nam rất đa dạng và độc đáo, không tuân theo một chuẩn mực nào. Mỗi cách uống trà biểu hiện một khía cạnh ngôn ngữ sâu xa trong văn hóa ứng xử đầy tính sáng tạo của người pha trà và người được mời uống trà đã được nâng lên bậc nghệ thuật pha trà và văn hóa uống trà.
Bình Luận (Không có bình luận)